Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Thời gian qua, bệnh quai bị đã xảy ra tại nhiều vùng - miền trong cả nước, có thời gian bùng phát thành dịch. Đà Nẵng cũng là một trong những tỉnh thành có tỷ lệ mắc bệnh quai bị khá cao. 

Choáng với tình hình quai bị hiện nay

Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh quai bị là rất lớn. Tại cuộc hội thảo khoa học "Văc-xin phòng bệnh quai bị Pavivac" vừa tổ chức gần đây đã có thống kê chưa đầy đủ: tỷ lệ mắc bệnh quai bị của người Việt Nam là 47 ca mắc trên 100.000 dân - đó không phải là con số nhỏ. Tại Đà Nẵng, bệnh quai bị mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp gây tử vong, nhưng căn bệnh này thường để lại nhiều di chứng, đặc biệt là viêm tinh hoàn, vô sinh, viêm tụy, viêm não, mất điều hòa tiểu não, viêm thận, viêm dây thần kinh, viêm vú, viêm màng ngoài tim, tăng tỷ lệ sẩy thai (đối với những phụ nữ mang thai 3 tháng đầu tiên)...

Đối với những bệnh nhân khi mắc bệnh quai bị cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị. Cần nghỉ ngơi hợp lý, chăm sóc răng miệng, ăn thức ăn mềm, nhiều dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, cần chú ý khả năng nhai. Dùng khăn ấm đắp vùng mang tai, mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, giảm căng. Vệ sinh cá nhân và tẩy uế, sát trùng các chất dịch tiết. Để phòng chống lây nhiễm bệnh trong cộng đồng và ngăn chặn bùng phát thành dịch, cần cho bệnh nhân ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người thân, nếu có tiếp xúc nên đeo khẩu trang trong vòng 9 ngày. Thời gian ủ bệnh thường từ 12-25 ngày và thường có những triệu chứng không rõ ràng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, chán ăn.

Bệnh quai bị hiện chỉ có thể khống chế bằng việc tiêm vắc-xin phòng ngừa. Hơn 95% người đã tiêm chủng được miễn dịch, kéo dài rất lâu, có thể suốt đời... Có thể tiêm vắc-xin cho trẻ sau 15 tháng tuổi. Hiện trung tâm y tế dự phòng các tỉnh thành trong cả nước đã có các loại vắc-xin tiêm phòng loại bệnh này rất hiệu quả.

Diệu Hiền
(thực hiện)
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -