Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Bệnh giời leo, một cái tên nghe hơi ghê ghê, tuy ít ai hiểu rõ nghĩa của nó là gì. Cái tên này được dân Việt mình từ xa xưa đặt cho một bệnh trông cũng rất ghê vì đây là một bệnh ngoài da gồm những cụm mụn nước dầy đặc gây đau đớn cho bệnh nhân. Bệnh này có họ hàng với bệnh thủy đậu tức chicken pox. Nên biết về bệnh này, nhất là gần đây, một loại thuốc ngừa đã được tìm ra và cho lưu hành.


Triệu chứng như thế nào ?

1. Đau, cảm giác như bị bỏng, tê, ngứa, bị kim châm, hay rất nhậy cảm ở một vài vùng da.

2. Những mụn nước trên một khoảng da đỏ sẽ xuất hiện vài ngày sau cảm giác đau.

3. Sốt

4. Nhức đầu

5. Ớn lạnh

6. Khó chịu trong bao tử

Thường những mụn nước này chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, thành những mảng từ giữa lưng ra bên hông, vòng tới xương ức. Mảng mụn nước này nằm theo đường đi của một sợi thần kinh, nơi con siêu vi khuẩn gây bệnh nằm “ngủ” từ lâu , chờ dịp “sống” lại gây bệnh. Đôi khi những mụn nước này xuất hiện ở một bên mắt, cổ hay mặt.

Tuy những mụn nước này trông rất giống bệnh thủy đậu, chúng gây ra đau đớn nhiều hơn nhưng lại không ngứa bằng.

Nguyên nhân

Bệnh giời leo gây ra do siêu vi khuẩn varicella-zoster, cùng loại vi khuẩn gây ra bệnh thủy đậu. Thực ra đây là lần xuất hiện thứ hai của siêu vi khuẩn này, sau khi xuất hiện lần đầu gây ra thủy đậu.

Siêu vi varicella-zoster nằm trong nhóm siêu vi herpes. Những siêu vi này có thể nằm yên lặng trong hệ thần kinh của chúng ta sau lần nhiễm trùng đầu tiên, chờ có dịp gây bệnh lần thứ nhì.

Người nào đã từng bị bệnh thủy đậu đều có thể bị bệnh giời leo. Nếu hệ miễn nhiễm của cơ thể người bệnh chưa hủy diệt hết các siêu vi gây bệnh thủy đậu, những siêu vi còn lại có thể chui vào hệ thần kinh và nằm bất động nhiều năm. Sau cùng, chúng có thể hoạt động trở lại và đi theo một vùng thần kinh nào đó trên cơ thể gây ra bệnh giời leo.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân nào khiến con siêu vi hoạt động trở lại và gây bệnh. Bênh giời leo thường xẩy ra nơi người lớn tuổi hoặc những người có hệ miễn nhiễm yếu. Khoảng 1 trong 10 người đã bị thủy đậu có thể bị bệnh giời leo, thường là vào sau 50 tuổi. Đa số chỉ bị giời leo 1 lần, tuy có thể bị trở lại ở một vùng cơ thể khác.

Bệnh giời leo không lây. Tuy nhiên, siêu vi varicella-zoster có thể gây ra bệnh thủy đậu cho người chưa từng mắc bệnh. Do đó, nếu bạn bị bệnh giời leo, không nên đến gần:

- Người chưa từng bị thủy đậu

- Người có hệ miễn nhiễm yếu do bẩm sinh hay do đang uống thuốc làm giảm miễn nhiễm.

- Trẻ sơ sinh

- Phụ nữ đang mang thai (bệnh thủy đậu trong thời kỳ này có thể nguy hiểm cho em bé trong bụng mẹ)





Bệnh giời leo

Khi nào nên đi gặp bác sĩ ?

Nên gặp bác sĩ ngay khi có những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Nếu chữa ngay, bệnh sẽ mau lành hơn và ít bị biến chứng hơn. Càng phải đi chữa sớm hơn nếu bệnh xẩy ra ở vùng gần mắt vì vết lở ở vùng này có thể đưa đến nhiễm trùng võng mạc khiến bệnh nhân bị mù tạm thời hay vĩnh viễn.

Biến chứng

Biến chứng khó chịu nhất của bệnh giời leo là cảm giác đau đớn nơi vết lở sau khi đã hết bệnh (postherpetic neuralgia), xẩy ra nơi 1 trong 5 người mắc bệnh. Nguyên nhân là vì dây thần kinh bị bệnh đưa ra những tín hiệu sai lạc hoặc tăng cường độ của cảm giác đau đớn lên óc. Điều này khiến vùng da bị bệnh trở nên rất nhậy cảm. Ở nhiều người, chỉ cần quần áo chạm nhẹ hay một cơn gió thổi qua cũng khiến họ bị đau đớn dữ dội.

Những biến chứng khác: viêm não hoặc những vấn đề về thần kinh khác. Nếu giời leo xẩy ra trên mặt, bệnh nhân có thể bị giảm thính giác, bị mù tạm thời hay vĩnh viễn hay bị liệt ỏ vài vùng trên mặt. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể bị nhiễm vi trùng ở các vết lở nếu không giữ vệ sinh.

Cách chữa trị như thế nào ?

Bệnh giời leo, giống như bệnh thủy đậu, có thể tự lành sau một vài tuần. Tuy nhiên, nếu được chữa ngay, bệnh nhân có thể lành bệnh nhanh hơn và tránh được nhiều biến chứng.

Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc giết siêu vi như acyclovir, valacyclovir hay famciclovir, nếu trong vòng 48 tới 72 giờ ngay sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện thì tốt. Nếu bệnh nhân bị đau quá nhiều, bác sĩ có thể cho thuốc giảm đau hoặc thuốc chống trầm cảm loại tricyclic. Thuốc chống giật kinh cũng có thể làm giảm đau.

Bệnh nhân có thể theo những phương cách sau đây để cảm thấy dễ chịu hơn và tránh biến chứng:

- Giữ vùng bị lở thật sạch.

- Nếu bị đau, có thể đắp một mảnh vải ướt lạnh lên vết lở

- Ngâm trong bồn nước ấm hay bôi calamine lotion để giảm ngứa ngáy khó chịu.

- Có thể uống Advil, Motrin... để bớt đau

- Nghỉ ngơi

Phòng ngừa

Từ năm 1995, đa số các trẻ em từ 12 tới 18 tháng đã được chích ngừa bệnh thủy đậu bằng thuốc Varivax rất công hiệu. Sau khi chích, các em cũng có thể bị bệnh nhưn g nhẹ hơn nhiều. Người lớn hay các em tuổi vị thành niên chưa bao giờ bị bệnh cũng có thể chích ngừa.

Một loại chuốc chích ngừa bệnh giời leo cho những người đã bị bệnh thủy đậu cũng đã được tìm ra và đã ra đời. Bạn có thể hỏi thăm bác sĩ của mình về thuốc ngừa này.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -